Đặc điểm Thể_chế_đại_nghị

Hệ thống nghị viện tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình thông qua các dự luật, bởi vì nhánh hành pháp trực tiếp hoặc gián tiếp phụ thuộc vào sự ủng hộ của nhánh lập pháp, và thường cấu thành bởi các thành viên quốc hội. Trong thể chế tổng thống, người đứng đầu nhánh hành pháp hoàn toàn độc lập với quốc hội. Như thế, nếu hành pháp và lập pháp chịu kiểm soát bởi hai chính đảng đối lập nhau sẽ dẫn đến tình trạng bế tắc. Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton thường xuyên đối đầu với vấn nạn này từ khi Đảng Cộng hòa kiểm soát Quốc hội suốt phần lớn thời gian Clinton ngồi trong Nhà Trắng. Cũng có khi tổng thống phải đối diện với vấn nạn này dù đảng của ông chiếm đa số tại Quốc hội như trường hợp của Tổng thống Jimmy Carter.

Nhằm mục đích dễ dàng thông qua các dự luật, thể chế đại nghị có sức hấp dẫn đối với những quốc gia bị phân hóa trong các lĩnh vực như chủng tộc, màu da, hoặc ý thức hệ. Trong thể chế tổng thống, mọi quyền lực hành pháp đều tập trung trong tay của tổng thống, trong khi hệ thống đại nghị phân bổ quyền lực cho một tập thể. Năm 1989, khi Thỏa hiệp Taif được ký kết nhằm dành cho cộng đồng Hồi giáo nhiều quyền lực hơn, Liban đã từ bỏ thể chế nửa tổng thống, với quyền lực tập trung vào tổng thống, để chấp nhận một thể chế có cấu trúc tương đồng với hệ thống đại nghị. Tương tự, Iraq bác bỏ tổng thống chế vì e ngại thể chế này sẽ tập trung quyền lực vào cộng đồng Shiite.

Trong tác phẩm Hiến pháp Anh Quốc, Walter Bagehot tán dương đại nghị chế vì thể chế này kiến tạo nhiều cuộc tranh luận nghiêm túc, cho phép diễn ra sự chuyển đổi quyền lực mà không cần tổ chức bầu cử, và không giới hạn việc tổ chức bầu cử trong những thời hạn cố định. Theo Bagehot, các kỳ bầu cử được ấn định bốn năm một lần theo cách của Hoa Kỳ là không tự nhiên.

Các học giả như Juan Linz, Fred Rígg, Bruce Ackerman, và Robert Dahl cho rằng thể chế đại nghị giúp hạn chế những biến động chính trị dẫn đến sự sụp đổ các chế độ cầm quyền. Họ chỉ ra rằng kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, hai phần ba các nước thế giới thứ ba với chính quyền đại nghị đã chuyển đổi thành công sang dân chủ. Ngược lại, không một nước nào thuộc thế giới thứ ba theo tổng thống chế đã chuyển đổi thành công để trở thành một nền dân chủ mà không xảy ra đảo chính hoặc thay đổi hiến pháp. Theo Bruce Ackerman, có ba mươi quốc gia đã thử nghiệm hệ thống kiểm tra và cân bằng quyền lực kiểu Mỹ, và "Tất cả những nước này, không có ngoại lệ, đều phải trải qua những cơn ác mộng triền miên".

Một nghiên cứu mới đây của Ngân hàng Thế giới nhận ra rằng thể chế đại nghị có thể kìm giữ nạn tham nhũng ở mức độ thấp .